Làng gốm Chăm Bàu Trúc là địa điểm tham quan nổi tiếng tại Ninh Thuận. Điểm nhấn của nơi này chính là nét văn hóa độc đáo được thể hiện sinh động qua các lễ hội truyền thống cũng như trong đời sống thường ngày. Đặc biệt, đây chính là nơi đang lưu giữ nét tinh hoa trong nghệ thuật làm gốm đạt mức đỉnh cao sau hàng trăm năm tồn tại.
Làng hiện thuộc địa phận thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng chừng 12km.
Theo lời kể từ các nghệ nhân thâm niên, nghề gốm truyền thống làng Bàu Trúc đã có từ xa xưa. Tổ nghề khai sáng chính là Poklong Chanh, một người thân cận bên vua Poklong Garai. Trong bước đường theo chân vua chinh chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, Po Klong Chanh luôn hết hết mình trung thành cũng như tận tâm giúp dân an cư lạc nghiệp.
Trải qua bao thời kỳ lịch sử, đến nay nghề gốm được con cháu kế thừa và phát huy rực rỡ. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một điều có ý nghĩa quan trọng cho đồng bào Chăm nơi đây, yếu tố này càng làm người dân phấn khích để họ thi đua làm ra nhiều sản phẩm đẹp, bền phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng.
- Trọn bộ kinh nghiệm du lịch Ninh Thuận tự túc 2024 chia sẻ chi tiết từ Local Expert
- TOP Tour ghép lẻ Ninh Thuận hàng ngày uy tín, chất lượng, giá cực hấp dẫn
- TOP Tour Ninh Thuận giá rẻ trọn gói, uy tín, chất lượng, đáng trải nghiệm nhất
- Du lịch Ninh Thuận nên đi mùa nào, tháng mấy là đẹp?
- Du lịch Ninh Thuận cần bao nhiêu tiền là đủ?
- Du lịch Ninh Thuận tự túc nên đặt phòng ở đâu, khu vực nào?
Từ cách làm gốm truyền thống đến một tinh hoa nghệ thuật đỉnh cao
Khác với nhiều nghề gốm nổi tiếng khác như Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Ninh), Thanh Hà (Quảng Nam), Minh Long (Bình Dương), … Nghề gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc Ninh Thuận khi làm không dùng bàn xoay mà sẽ để đất sét cố định trên bệ đỡ cố định của cái lu, cái chung rồi đi xung quanh và dùng đôi bàn tay của mình để tạo tác hình thù gốm.
Đây là cách làm nguyên bản không thay đổi từ xưa đến nay. Và tính đến thời điểm hiện tại, không một làng nghề gốm nào ở Việt Nam có cách làm này ngoài làng gốm Chăm Bàu Trúc.
Cùng với cách làm, nguyên liệu đất sét tạo ra sản phẩm cũng hết sức đặc biệt. Cụ thể, đất sét làm gốm được lấy từ cách đồng “Hamu Trok” bên bờ sông Cái. Có thể nói, đất sét trên cánh đồng “Hamu Trok” là thứ mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất quanh năm khô hạn này.
Đất sét lấy từ ngoài cánh đồng vào sẽ được trộn với cát theo tỉ lệ thích hợp để nhằm cho ra nguyên liệu tốt nhất có thể. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chia sẻ từ các nghệ nhân của làng, chỉ có thứ đất sét đặc biệt mới có thể trộn với cát. Quan trọng hơn, cát được trộn phải là cát mịn có độ kết dính cao để khi làm sản phẩm phô ra hết nét đặc trưng của mình.
Sau quá trình tạo tác sản phẩm với nhiều giai đoạn khác nhau. Gốm khi hoàn thành sẽ được trang trí nhiều hoa văn sinh động, để khô và đem nung lộ thiên.
Nói về nung lộ thiên, thì đây cũng là điều đặc biệt để tạo nên sự khác biệt cho gốm Bàu Trúc. Cách nung được chú trọng từng bước một, từ việc chất các sản phẩm đè lên nhau, dùng rơm, rạ, củi nung đến việc thực hiện nghi thức, chọn người nung đều phải theo phong tục có từ xưa.
Điều này thể hiện rõ nét tâm linh trong đời sống tín ngưỡng văn hóa của cộng đồng Chăm theo Bàlamôn giáo. Có một điều thấy rõ trong tất cả sản phẩm gốm dùng trong trưng bày là không dùng men để trang trí, mà thay vào đó chính là những loại nhựa cây rừng.
Cụ thể, gốm sau quá trình nung lộ thiên với nhiệt độ từ 5.000 C – 6.000 C sẽ được vớt ra và sẽ được nghệ nhân dùng nhựa cây rừng (cây thông, cây dầu rái, …) đã pha loãng phun trực tiếp vào để tạo màu sắc cho gốm. Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm gốm không dùng nhựa cây mà sẽ để mộc hoàn toàn với màu cam đỏ.
Từ những công đoạn trong việc chọn nguyên liệu và cách làm hoàn toàn theo nguyên bản. Có thể thấy, gốm Bàu Trúc sau hơn 800 năm hình thành luôn giữ cho mình một nét riêng đặc biệt.
Một nét truyền thống không sử dụng đến các công cụ hỗ trợ hiện đại mà hoàn toàn từ óc sáng tạo và bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Đó được quý như một tinh hoa đạt mức đỉnh cao trong nghệ thuật làm gốm.
Thăng trầm nghề gốm Bàu Trúc Ninh Thuận từ năm 1832 đến nay
Bắt đầu từ năm 1832 khi vua Minh Mạng (Minh Mệnh) ra sắc lệnh sáp nhập vương quốc Panduranga (Ninh Thuận & Bình Thuận) sáp nhập vào bản đồ Đại Việt, sự chuyển biến về tình hình văn hóa, xã hội, chính trị đã đưa nghề gốm làng Bàu Trúc trải qua bao nét thăng trầm cùng thời gian.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 1832 – 1945, do thường xuyên ảnh hưởng bởi chiến tranh nên sản phẩm gốm Bàu Trúc làm ra chỉ để phục vụ trong gia đình và dùng để trao đổi các hàng hóa thiết yếu trong đời sống như vải thổ cẩm, con giống, hạt giống, … với các vùng lân cận.
Đây cũng là giai đoạn nghề làm gốm chỉ là nghề phụ. Các thợ gốm lành nghề của làng chỉ làm trong những ngày mùa rảnh rỗi. Riêng số ít gia đình thì làm nhiều để trao đổi khi có ngày mùa bội thu.
Sau thành công của cách mạng tháng 8 năm 1945 kéo dài đến năm 1975, nghề gốm dần trở lại và bắt đầu làm ra nhiều sản phẩm hơn. Tuy vẫn còn nhiều hạn chế trong việc giao thương do nhiều chính sách mà chiến tranh là yếu tố cản trở.
Thế nhưng, tận dụng tuyến đường sắt Bắc Nam và đường quốc lộ 1A gần làng nên những người thợ gốm đã có điều kiện đưa gốm Chăm bằng tàu lửa đến Nha Trang, Sài Gòn và một vài tỉnh thành khác để tiêu thụ.
Đây cũng là thời điểm nghề gốm truyền thống Bàu Trúc đánh một dấu mốc khi đưa nhiều sản phẩm vươn ra thị trường lớn trong nước.
Sau khoảng thời gian dài lắng mình, giai đoạn từ năm 1975 – 1986 nghề gốm làng Bàu Trúc đã phát triển rực rỡ trong thời kỳ kinh tế bao cấp.
Có được điều này là do gốm là một loại hàng thủ công không cần nhiều vốn, không cần Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, không có sự quản lý của Nhà nước.
Quan trọng hơn cả là gốm Chăm làm theo phương thức truyền thống rất dễ sản xuất, sản phẩm và mẫu mã là đa dạng, đặc biệt là sản phẩm làm ra đáp ứng được đa số nhu cầu người sử dụng. Vì vậy mà gốm Chăm thời kỳ này bán rất “chạy”, trở thành hàng độc quyền trong vùng.
Sau nốt thăng bao giờ cũng đến nốt trầm. Giai đoạn 1986 – 2000, cụ thể là từ năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới chuyển từ hình thức kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường.
Với sự đổi mới này, nhiều cơ sở hàng công nghiệp tư nhân chế biến đồ gia dụng bằng nhôm, nhựa ra đời có ưu điểm vượt trội hơn so với đồ gốm. Do đó khách hàng đã tìm đến mua hàng công nghiệp nhiều hơn. Kết quả gốm Bàu Trúc mất dần vị thế trên thị trường.
Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nghề gốm làng Bàu Trúc bắt đầu khởi sắc trở lại do có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ từ nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Điển hình là năm 2007, làng nghề gốm được Nhà nước quy hoạch, làng khang trang, sạch đẹp, du khách ghé thăm nhiều hơn.
Để đáp ứng nhu cầu du khách, những nghệ nhân Bàu Trúc đã vực dậy thay đổi mẫu mã, tạo ra những sản phẩm mới với những bình gốm to nhiều kiểu lạ, trang trí hoa văn đẹp và những hình tượng điêu khắc, tháp Chăm, vũ nữ Apsara cũng được sao chép lại giới thiệu cho khách du lịch …
Nét đẹp tâm linh trong giỗ tổ nghề gốm Po Klong Chanh của làng gốm Bàu Trúc Ninh Thuận
Đồng bào Chăm theo tín ngưỡng Bàlamôn giáo nói chung và cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc nói riêng sở hữu một kho tàng lễ hội, tín ngưỡng độc đáo. Giỗ tổ nghề gốm Po Klong Chanh là một trong số đó.
Thể hiện cho điều này, để ghi nhớ công ơn to lớn của ngài, hàng năm cứ đến ngày mùng 3 tháng 7 Chăm lịch (lịch Dương rơi vào tháng 1), đồng bào cùng nhau mua sắm lễ vật, quét dọn sạch sẽ đền thờ Po Klong Chang cách làng khoảng 2km về hướng Tây Bắc để thực hiện nhiều nghi thức trang trọng.
Cũng như các lễ hội lớn của người Chăm theo tín ngưỡng Bàlamôn giáo. Lễ tổ nghề gốm Po Klong Chanh sẽ được hội đồng chức sắc, bà bóng, ông chủ đèn, thầy Kò Ke, … cùng những người uy tín trong làng thực lần lượt các nghi thức gồm rước trang phục thần, tắm tượng thần, mặc trang phục, dâng lễ vật, … một cách trang nghiêm, bài bản.
Sau các nghi thức trên đền là nghi thức cúng tổ nghề tại nhà. Tuy nhiên so với trên đền, việc cúng tại nhà đơn giản hơn rất nhiều. Hay nói đúng hơn, tùy theo điều kiện của mỗi nhà mà lễ cúng sẽ được thực hiện khác nhau nhưng không được sơ sài, thiếu trang trọng.
Nghề gốm có vị trí khá quan trọng đối với người dân làng Bàu Trúc bởi nó mang nhiều giá trị nhất định. Do vậy, việc bảo tồn nghề gốm truyền thống vừa mang ý nghĩa kinh tế vừa là sự bảo tồn một trong những nghề thủ công truyền thống quan trọng của người Chăm Ninh Thuận còn lại cho đến nay.
Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc đã tồn tại, phát triển khá lâu trong lịch sử. Chính lịch sử lâu đời của nghề gốm là lý do giải thích về những nét đẹp, những giá trị ở khía cạnh điêu khắc, nghệ thuật và khoa học.
Tầm quan trọng của nghề gốm Bàu Trúc trong đời sống văn hóa & du lịch
Hình thành và tồn tại với tuổi nghề cổ xưa nhất Đông Nam Á, nghề làm gốm truyền thống của làng Chăm Bàu Trúc Ninh Thuận trải qua bao thăng trầm, dù là nghề phụ hay là nghề chính thì vẫn là nghề mang một giá trị trong đời sống văn hóa – xã hội và du lịch.
Dù chỉ “lấy công làm lời” thì những thợ gốm vẫn làm gốm mỗi ngày chỉ vì yêu nghề hay đơn giản là trách nhiệm của con cháu đời sau đối với các bật tiền nhân đi trước. Đây chính là một nét đẹp truyền thống có từ bao đời mà đồng bào Chăm Ninh Thuận nói riêng và cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc nói riêng.
Với những giá trị độc đáo và đặc sắc nghề gốm truyền thống làng Bàu Trúc kiêu hãnh là di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng, là sản phẩm đại diện cho cộng đồng, là tiếng nói của cộng đồng và là thương hiệu chung của cả cộng đồng.
Di sản này dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn tồn tại với một sức sống bền vững và mãnh liệt. Đây chính là yếu tố để nghề gốm Bàu Trúc của người Chăm Ninh Thuận xứng đáng được Hội đồng Di sản thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Là địa điểm tham quan cuốn hút trong hành trình khám phá trục đường Nam Bắc nhất định phải đến một lần.