Po Rome là tên gọi của một cụm đền tháp Chăm nổi tiếng tại Ninh Thuận. Toàn thể công trình được người Chăm xưa xây theo phong cách hậu Bình Định – thời kỳ muộn, được các nhà nghiên cứu đánh giá là bản sao không hoàn hảo của đền tháp Po Klong Garai (Tk XIII – XIV). Đặc biệt, đây là khu đến cuối cùng của người Chăm tại Pandurang trước khi Champa mất quyền tự chủ.

Trải qua bao biến cố thăng trầm cùng thời gian, ngôi đền đến nay vẫn còn nguyên vẹn, là nơi đóng vai trò quan trọng trong đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm Ninh Thuận nói chung và cộng đồng Chăm theo tín ngưỡng Bàlamôn giáo nói riêng.

Thể hiện cho điều này, hàng năm đền tháp là nơi diễn ra nhiều nghi thức, lễ hội quan trọng như lễ Cầu Đảo (“Yuer yang”, tổ chức vào tháng 4 Chăm lịch), lễ hội Kate (“Mbeng Katê”, diễn ra vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 Chăm lịch), lễ cúng Mẹ xứ sở Po Yang Inư Nagar (“Cambur”, tháng 9 Chăm lịch), … hay lễ mở Cửa tháp (“Peh Mbeng Yang, tháng 11 Chăm lịch).

Tổng thể kiến trúc cụm đền tháp Po Rome Ninh Thuận. Ảnh: Ja Khang
Tổng thể kiến trúc cụm cụm đền tháp Po Rome Ninh Thuận. Ảnh: Ja Khang

Tại sao nói đền tháp Po Rome là bản sao không hoàn hảo của đền tháp Po Klong Garai?

Cụm đền tháp Po Rome ngự giữa hai quả núi thấp thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang chừng 15km về hướng Nam.

Theo ghi chép trong cuốn “Tháp cổ Champa” của PGS.TS Ngô Văn Doanh thì ngôi đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Mục đích xây dựng ngôi đền này là để thờ vua Po Rome – người có nhiều công lao với dân tộc, khi mất được nhân dân hóa thần.

Đường tam cấp làm bằng bê tông dẫn lên đền tháp thiêng. Ảnh: Ja Khang
Đường tam cấp làm bằng bê tông dẫn lên đền tháp thiêng. Ảnh: Ja Khang

Tổng thể công trình hoàn toạc được xây dựng theo phong cách hậu Bình Định – thời kỳ Muộn, kết cấu và hình hài như khu đền tháp Po Klong Garai. Tuy nhiên, do xây dựng trong giai đoạn Champa-Panduranga đã không còn quyền tự chủ, lại thêm nền kiến trúc lúc này đã đi xuống nên tổng thể cụm đền tháp Po Rome có phần đơn điệu và tối giản đi rất nhiều.

Ngôi tháp chính cao khoảng 8m là hạng mục nổi bật nhất. Ảnh: Jamen Ivan
Ngôi tháp chính cao khoảng 8m là hạng mục nổi bật nhất. Ảnh: Jamen Ivan

Cụ thể, cụm đền tháp Po Rome là một công trình kiến trúc bằng gạch gồm hai ngôi tháp (tháp chính & tháp phụ) và một cái miếu nhỏ. Trong đó, tháp Chính là nơi thờ phượng vua Po Rome và hoàng hậu Po Bia Sancan, được xây dựng theo cấu trúc của ngôi tháp Chính trong khu đền tháp Po Klong Garai. Tháp còn lại là tháp phụ thờ hoàng hậu Pra Sucih, đặc biệt gần tháp phụ còn là khu mộ táng của vua Po Rome.

Hạng mục tháp chính của cụm tháp Po Rome Ninh Thuận được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung. Ảnh: Jamen Ivan
Hạng mục tháp chính của cụm tháp Po Rome Ninh Thuận được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung. Ảnh: Jamen Ivan

Điểm nhấn của cả công trình này chủ yếu tập trung hết vào ngôi tháp chính. Chi tiết, ngôi tháp cao khoảng 8m, cạnh đáy rộng gần 8m. Tháp có mặt chính quay về hướng Đông, trên cửa chính có các tầng hình vòng cung, dưới các hình vòng cung là hình tượng thánh Siva và hình ngọn lửa. Cửa chính ra vào quay mặt về hướng Đông, ở các cửa giả có hình các vị thần bằng đá trong tư thế ngồi, khuôn mặt các vị thần mang đậm nét bản địa.

Cũng như bao đền tháp Chăm khác, cửa tháp chính quay về hướng Đông. Ảnh: Jamen Ivan
Cũng như bao đền tháp Chăm khác, cửa tháp chính quay về hướng Đông. Ảnh: Jamen Ivan

Về phần mái của ngôi tháp thì có ba tầng, mỗi tầng có 4 tháp góc, trên đỉnh mỗi tháp góc có trang trí búp sen bằng đá và hình ngọn lửa trang trí ở 4 góc. Đặc biệt trong mỗi hốc giả là hình ảnh một vị thần đang ngồi chắp tay trong tư thế cầu nguyện. Bên trong là tượng bò thần Nandin nằm bên tay trái.

Bên trong tháp chính là nơi thờ vua Po Rome. Ảnh: Jamen Ivan
Bên trong tháp chính là nơi thờ vua Po Rome. Ảnh: Jamen Ivan

Từ những điều này, trong quá trình nghiên cứu và đánh giá của giới nghiên cứu: “Tháp Po Rome là công trình kiến trúc lớn, nhưng nếu so với các tháp cổ hơn hiện còn thì tháp Po Rome quả là thô và nghèo nàn. Điều này thể hiện rất rõ qua hình dáng và kích thước của tháp. 

Nội thất bên trong là bài trí đơn giản của tượng thờ vua Po Rome cao 1,2m được tạc từ Linga 8 tay đặt trên một bệ gỗ. Gần với tượng vua Po Rome là tượng bán nữ thần hoàng hậu Po Bia Sancan cao khoảng 0,75m.”

Ngôi tháp phụ được xây dựng đơn giản và không quá nổi bật. Ảnh: Jamen Ivan
Ngôi tháp phụ được xây dựng đơn giản và không quá nổi bật. Ảnh: Jamen Ivan

Qua đây có thể kết luận rằng, tháp Po Rome là công trình kiến trúc có quy mô nhỏ nhất trong số các đền tháp ở Ninh Thuận. Là ngôi tháp có tuổi đời trẻ nhất trong tất cả đền tháp Chăm ở Việt Nam, đồng thời là công trình còn nguyên vẹn nhất.

Ngày 31 tháng 8 năm 1992, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật tháp.

Đôi nét về vua Po Rome – vị vua độc lập cuối cùng của vương quốc Champa

Po Rome (Po Rômê, hay Po Ramé) tên thật là Ja Ka Thaut, sinh ở làng Tường Loan (Palei Pa – Aut), nay là xóm đạo Thiên Chúa Hòa Thuận của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. 

Tương truyền, khi nhỏ Ja Ka Thaut là một cậu bé thông minh, được dân trong vùng quý mến đặt cho biệt danh là Chei – sit, ý chỉ người có tài.

Càng lớn, Ja Ka Thaut càng bộc lộ tố chất của một người giỏi thao lược và rất biết cách thu phục lòng người.

Khi ấy, người đang trị vị vương quốc Panduranga là vua Po Mưh Taha – một người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Hồi giáo Islam đã du nhập vào Champa từ sau thế kỷ X theo con đường giao thương trên biển. Cũng trong thời kỳ này, Hồi giáo Islam (Hồi giáo chính thống) phát triển mạnh mẽ ở Panduranga (Ninh Thuận & Bình Thuận ngày nay).

Đồng bào Chăm Ninh Thuận tổ chức lễ hội Kate trên đền tháp Po Rome. Ảnh: Ja Khang
Đồng bào Chăm Ninh Thuận tổ chức lễ hội Kate trên đền tháp Po Rome. Ảnh: Ja Khang

Vua Po Mưh Taha có một cô con gái, nổi tiếng xinh đẹp là công chúa Po Bia Thơn Chơn (sau này chánh thật, hoàng hậu Po Bia Thơn Chơn, vợ của vua Po Rome) đã đến tuổi lấy chồng nhưng chưa ai có thể làm nàng vừa ý.

Một lần nàng cùng cha ra thành vị hành, cơ duyên đã để Ja Ka Thaut gặp Po bia Thơn Chơn. Tức khắc, hình ảnh về một chàng trai có tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh lại được nghe dân chúng đồn thổi về tài năng thao lược, bắn cung hay, giỏi võ nghệ đã làm tim nàng rung động.

Biêt ái nữ của mình đã tìm được người vừa ý, vua Po Mưh Taha lệnh cho quân lý truyền Ja Ka Thaut vào cung để thử tài năng. Đúng như lời đồn đại, Ja Ka Thaut quả là một người có tài, rất vừa ý vua Po Mưh Taha, có thể gành vác giang sơn, đem lại bình yên, ấm no cho dân chúng.

Chỉ không lâu sau, một đám cưới linh đình giữa cô công chúa xinh đẹp và chàng thành niên tài ba đã diễn ra. Vài năm sau, do tuổi già sức yếu nên vua Po Mưh Taha đã truyền ngôi lại cho Ja Ka Thaut vào năm 1627. Ja Ka Thaut chính thức lên ngôi trị vị Champa-Panduranga, lấy hiệu là Po Rome.

Vương quốc Panduranga & những thay đổi thời vua Po Rome

Vừa lên nắm quyền cai trị, vua Po Rome đã có những chính sách thay đổi để phát triển đất nước. Ngài bắt đầu cũng cố và mở rộng ngoại giao với các nước lân bang như Chân Lạp, Đại Việt, Cao Miên, … và liên kết chặt chẽ với các nước có liên hệ mật thiết với Champa từ trước là Indonesia, Malaysia …

Sự thay đổi này đã cho một kết quả bất ngờ khi từ một vương quốc dần thu hẹp lãnh thổ do chiến tranh liên miên với Đại Việt, Chân Lạp,  Xiêm La, … nay trở thành mối lo ngại.

Cũng trong thời gian này, do Hoàng hậu Po Bia Thơn Chơn hiếm muộn nên vua Po Rome đã cưới người vợ thứ hai là thứ hậu Bia Than Can – người gốc Êđê. 

Tại phía Bắc Panduranga, tình hình giữa hai tập đoàn chúa Trịnh đàng ngoài và chúa Nguyễn đàng trong có nhiều chuyển biến phức tạp. Hai bên vẫn thường xuyên giao chiến nhưng không thể phân thắng bại. Đặc biệt, sau đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, đến đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã chính thức xưng vương.

Khác với những đời Chúa trước, chúa Sãi luôn suy tính về việc mở rộng bờ cõi về phương Nam. Thế nhưng, Champa dưới thời vua Po Rome rất hưng thịnh, lại thêm thường xuyên đụng độ với tập đoàn chúa Trịnh ở đàng ngoài. Vì vậy, chúa Sãi đã đưa ra một quyết sách là gả các ái nữ của mình cho vua Champa để thắt chặt tình hữu nghị.

Cận cảnh ngôi tháp chính thờ vua Po Rome - vị vua độc lập cuối cùng của Champa. Ảnh: Ja Khang
Cận cảnh ngôi tháp chính thờ vua Po Rome – vị vua độc lập cuối cùng của Champa. Ảnh: Ja Khang

Tại Panduranga, những cải cách của vua Po Rome tuy đạt nhiều kết quả to lớn nhưng ông cũng thừa biết, mọi thứ mà tập đoàn chúa Nguyễn đàng trong thực hiện chủ đích là đang chuẩn bị lực lượng và tập trung vào việc phát triển kinh tế. Thế nhưng, việc Champa kẹt giữa Đại Việt và Chân Lạp, thêm vào đó mối nguy của Xiêm La luôn đặt Champa vào tình thế bất an bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, mọi việc bỗng trở nên khác khi trong một lần, công nữ Ngọc Khoa (con gái thứ 3 của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Vương) cùng phái đoàn vào Champa buôn bán. Với sắc đẹp tuyệt trần, ngay từ lần đầu gặp, vua Po Rome đã bị cuốn hút. Nhận thấy được điều này, Sãi Vương đã nghĩ đến việc thắt chặt tình hữu nghị hai nước bằng việc gả Ngọc Khoa cho vua Po Rome.

Thế là không chần chừng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã gửi lời đề nghị này cho vua Po Rome. Và khi mới chỉ nhận được tin từ sứ giả, hoàng tộc và nhiều tướng lĩnh Champa không đồng tình. Ai cũng khuyên vua Po Rome không nên thực hiện. Tuy nhiên, trước tình thế phức hiện tại, thêm phần bị sắc đẹp Ngọc Khoa chiếm lĩnh suy nghĩ nên vua Po Rome đã đồng ý. 

Năm 1631, cuộc hôn nhân mang tính lịch sử giữa Champa và tập đoàn chúa Nguyễn đàng trong chính thức  diễn ra. Công nữ Ngọc Khoa được gả về Champa cho vua Po Rome và chính thức trở thành thứ hậu thứ hai gọi Bia Ut (thứ hậu Yuôn).

Cuộc hôn nhân lịch sử & trận chiến của vua Po Rome với Đại Việt

Hôn ước giữa vua Po Rome và công nữ Ngọc Khoa không phải là hôn ước đầu tiên của hai nước. Mà trước đó, năm 1936 Đại Việt và Chiêm Thành (Champa nay) đã diễn ra một cuộc hôn ước lịch sử của vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân) và công chúa Huyền Trân (Ái nữ của vua Trần Nhân Tông).

Hôn ước này được vua Trần Nhân Tông mở lời trong chuyến dạo chơi ở Champa kéo khoảng thời gian 9 tháng đầu năm 1301(nguyên nhân xuất phát từ sau khi Chiêm Thành và Đại Việt cùng liên kết chống quân Mông – Nguyên xâm lược lần II, từ tháng 12/1287 – 04/1288).

Đáp lại hôn ước của Đại Việt, vua Jaya Simhavarman III đã cắt châu Ô và châu Lý làm sính lễ. Về sau, hai châu này được đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu (nay là vùng đất từ tỉnh Thừa Thiên – Huế đến bờ sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị).

Đến thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, để ổn định tình hình đất nước nhằm thực hiện các ý đồ mở rộng lãnh thổ, trong vòng 10 năm, Sãi Vương đã quyết định gả hai nàng công nữ cho hai vua của Champa và Chân Lập. 

Cụ thể, cuộc hôn ước đầu tiên của công nữ Ngọc Vạn và vua Chân Lạp Chey Chetta II diễn ra vào năm 1620. Và cuộc hôn nhân thứ hai vào năm 1631 giữa công nữ Ngọc Khoa và vua Po Rome.

Cả hai cuộc hôn nhân này đều mong muốn mối giao bang ngày càng tốt đẹp. Tuy nhiên, đến thời chúa Nguyễn Phúc Tần (ở ngôi từ năm 1648 – 1687), từ mối giao bang hòa hữu qua cuộc hôn nhân với Champa đã trở thành cuộc chiến tàn khốc.

Với ý chí khôi phục và đòi lại những vùng lãnh thổ của Champa đã mất vào tay Đại Việt, vua Po Rome đã phát động một cuộc chiến trên quy mô lớn vào năm 1651. Cuộc chiến kéo dài trong khoảng hai năm với nhiều tổn thất nhất định từ hai bên. 

Năm 1652, Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc mang 3.000 quân tấn công Champa từ Nha Trang đến Sông Phan Rang, vua Po Rome đem quân chống đỡ nhưng thất bại. Ngài bị bắt và giải về Huế. Trên đường đi, để giữ hồn khí của một đất minh quân, vua Po Rome đã tự kết liễu bản thân mình. 

Cảm phục và ghi ơn đến vị vua anh minh, tài ba của đất nước. Nhân dân Champa đã xây dựng một đền tháp mang tên ngài. Là nơi thờ cúng linh hồn, hóa thân vị vua có nhiều công lao trong cuộc đời trị vị đất nước của mình.

Sau khi Po Rome tử trận, người em trai cùng mẹ khác cha là Po Nroup (1652-1653) lên thay, nhưng quyền tự chủ đã không còn nằm trong tay của Champa.

Sau chuỗi sự kiện khi vua Po Rome lên nắm quyền cai trị Champa, ông đã giữ vững được nền độc lập tự chủ đối với Đại Việt và các nước lân bang trong khoảng thời gian dài.

Chính vua Po Rome  là người đã dung hợp giữa 2 tôn giáo Bà La Môn và Hồi Giáo thành tập tục Chăm Avar Ahier thắt chặt tình đoàn kết như hiện nay.

Năm 1653, chúa Nguyễn cho triệu hồi vua Po Nroupra Huế, cùng đi có vài quan cận thần mang theo nhiều vàng bạc châu báu hộ thân. Đến Huế vua Po Nroup bị chúa Nguyễn giam lỏng 6 tháng và hoàn toàn bị kiểm soát.

Để thoát khỏi sự giam lỏng, vua Po Nroup và đã nhờ một vị cận thần thân tín của chúa Nguyễn tâu xin và được tha trở về. Lời cầu xin được chấp nhận, vua Po Nroup trở lại quê hương và sống trong lòng dân tộc Chăm. Sự kiện này được truyền tụng về Po Nroup bị bắt và tha về trong dòng tộc đời đời nhắc nhở nhau mãi mãi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *