Po Klong Garai là một khu đền tháp nổi tiếng của người Chăm trên dải đất miền Trung nói chung và Ninh Thuận nói riêng. Toàn bộ khu đền tháp Po Klong Garai được xây dựng trên đỉnh quả núi mà nhân dân địa phương gọi là núi Trầu (đồi Trầu, tiếng Chăm gọi là Cek Hala) trên đường Bác Ái của khu phố 8, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
- Trọn bộ kinh nghiệm du lịch Ninh Thuận tự túc 2024 cập nhật mới nhất
- Các lịch trình du lịch Ninh Thuận 1 ngày: ĐI ĐÂU, CHƠI GÌ?
- TOP Tour ghép lẻ Ninh Thuận hàng ngày uy tín, chất lượng, giá cực hấp dẫn
Tại vị trí này nhìn về hướng Bắc khoảng 4km theo đường chim bay là sân bay quân sự cấp 1 Thành Sơn, đồng thời là căn cứ chính của Trung đoàn 937 (còn gọi là Đoàn C37) tỉnh Ninh Thuận. Trước năm 1975, đây cũng từng là căn cứ không quân quan trọng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Không lực Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Theo truyền thuyết, ngôi đền tháp được vua Jaya Shihavaman III (sử Việt gọi là Chế Mân, người trị vị Chiêm Thành từ năm 1288 – 1307, người có nhiều công lao trong công cuộc cùng Đại Việt chống quân Mông – Nguyên xâm lược, đồng thời chính là phò mã của Huyền Trân công chúa – Ái nữ của vua Trần Nhân Tông) xây dựng để thờ vua Po Klong Garai (vua Rồng, nhiều tài liệu ghi là Po Klaung Garai) – một vị vua có nhiều công trạng đối với dân tộc Chăm trong việc đánh đuổi ngoại xâm, tổ chức người dân khai mương, đắp đập làm cho ruộng đồng trù phú và tươi tốt.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Khu đền tháp ngày nay đa phần vẫn còn nguyên vẹn với bao nét độc đáo, huyền bí chưa lời giải thể hiện nét tài ba trong công cuộc xây dựng đền tháp của người Chăm xưa.
Đặc biệt, khu đền tháp Po Klong Gari là công trình nằm trong số ít được các nhà nghiên cứu bình phẩm là công trình hoàn mỹ trong phong cách Muộn và đã đạt đến đỉnh cao trong nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa một thời vàng son ở Đông Nam Á.
Ngoài việc là địa điểm đến tham quan nổi tiếng, đền tháp còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội quan trọng của cộng đồng. Nổi bật trong số đó là lễ hội Kate được tổ chức vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 Chăm lịch (rơi vào khoảng tháng 9, 10 dương lịch).
Năm 1979, khu đền tháp này được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia. Đến năm, 2006 thì chính thức trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt cần phải bảo vệ khẩn cấp.
Đôi nét tổng thể về khu đền tháp Po Klong Garai Ninh Thuận
Khu đền tháp Po Klong Garai còn được gọi với tên gọi khác là Bửu Sơn. Là một quần thể kiến trúc gồm nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, tại đây chỉ còn lại ba công trình kiến trúc bằng gạch tháp chính (Kalan po) – nơi thờ tượng bán thân vua Po Klong Garai cao 20,5m; tháp cổng (Kalan pabah mbang) cao khoảng 8,56m & tháp Lửa (Sang cuh yang apuer) cao 9,31m.
Phía sau tháp Chính là một miếu thờ nhỏ được người Chăm xây dựng trước năm 1975 để thờ vua Po Klong Garai, là Bia Kol.
Nằm giữa không gian tháp Chính và tháp Cổng là vết tích của một nền gạch hình chữ Nhật. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu thì đây chính là nhà để đồ (dạng tháp Dài hoặc nhà Dài) được xây theo kiểu nhà Dài ở Mỹ Sơn với mục đích để cho các vị chức sắc thành tẩy trước khi thực hiện các nghi thức, nghi lễ quan trọng.
Ngoài ba tháp còn tồn tại thì còn một tháp Canh ở hướng Đông Nam, dấu tích đế tháp ở hướng Bắc và hướng Tây Nam. Có thể thấy, những vết tích về các nền móng cũ có thể từng là những hạng mục được xây dựng trọn vẹn như tháp chính, tháp lửa, tháp cổng, nhưng theo thời gian, vì tác động gì đó đã bị đổ vỡ.
Điều này cũng tương tự như bao đền tháp khác, tiêu biểu như đền tháp Dương Long, đền tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi) ở Bình Định, hay tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận và tháp Po Sah Inư ở Bình Thuận.
Cũng cần nói thêm, trong một công trình đền tháp của người Chăm khi xây dựng, thông thường sẽ có một đền tháp chính đóng vai trò chủ đạo và xung quanh là nhiều hạng mục khác. Và tất nhiên, khu đền tháp Po Klong Garai cũng không ngoại lệ, đặc biệt là xây theo phong cách hậu Bình Định (Phong cách Muộn) – lối phong cách điển hình của Champa từ sau thế kỷ XIII.
Khu đền tháp Po Klong Garai & lối kiến trúc, nghệ thuật độc đáo
Là công trình được xây dựng trong thời kỳ không chịu ảnh hưởng của chiến tranh nên khu đền tháp Po Klong Garai được tô điểm những gì đẹp nhất của phong cách hậu Bình Định-thời kỳ Muộn (hay còn gọi là phong cách Muộn). Theo đó, toàn thể khu đền tháp được xây dựng trên quy mô lớn với diện tích khoảng 10 hecta bao phủ cả không gian núi Trầu (đồi Trầu, tiếng Chăm gọi là Cek Halan).
Trong đó, ngôi tháp Chính (Kalanpo) cao 20.5m là hạng mục được xây dựng với nhiều tầng, mô phỏng theo ngọn núi Peru – một ngọn núi thiêng của Ấn giáo bên Ấn Độ. Tầng trên là sự lập lại tầng dưới thu nhỏ, cho đến đỉnh là một trụ đá nhọn, biểu tượng là một Linga.
Điểm nhấn của ngôi tháp chính này chính là ở các góc tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ, gắn tượng thú bằng đá như tượng vua Po Klong Garai, tượng thần Siva và các vị hộ pháp, các loài muông thú và các hình ngọn lửa bằng gạch nung.
Cửa chính ra vào tháp Chính quay về hướng Đông, hướng theo quan niệm của người Chăm là hướng sống, sinh tồn. Hai bên cửa là 2 trụ đá lớn khắc chữ Chăm cổ. Bên trên cửa có phù điêu thần Siva có 6 tay đang uyển chuyển với những điệu múa thần bí. Ba cửa còn lại theo ba hướng Nam, Bắc, Tây là cửa giả có trụ ốp gạch lồi, lõm vào trong. Trên mỗi cửa giả có một tượng thần tư thế thiền.
Từ ngoài đi vào là sự hiện hữu của tượng bò thần Nandin được tạc bằng đá nằm bên tay trái, đầu hướng vào trong tháp. Tương truyền, đây là vật cưỡi của thần Siva và vua Po Klong Garai. Chính giữa tháp là tượng thờ bán thân vua Po Klong Garai. Bên dưới tượng bán thân vua Po Klong Garai là một Yoni cạnh dài 1m47, cạnh ngang 0m94, trên Yoni là một Linga tròn, phía trên trụ là Linga.
Từ tháp Chính nhìn thẳng về hướng Đông là khoảng sân rộng hình chữ nhật (khoảng không gian theo nhận định của các nhà nghiên cứu là nhà Dài dùng làm nơi để đồ trong quá trình làm lễ của các chức sắc) và hạng mục tháp Cổng.
Quan sát tổng thể thỉ hạng mục tháp Cổng này có hình dạng và cấu trúc như ngôi tháp Chính. Tuy nhiên, vì chức năng dùng để làm nơi ra vào (cửa Đông và cửa Tây thông nhau) nên được trang trí đơn giản và không có nhiều hoa văn, phù điêu.
Phía trước tháp Cổng là một khoảng sân rộng lớn với con đường lên xuống bằng gạch được xây theo một trục duy nhất. Đó là hướng Đông. Thế nhưng, theo thời gian, con đường này đã xuống cấp trầm trọng nên không còn được sử dụng.
Để thay thế cho điều này, năm 2000 ban quản lý đã xây dựng một hạng mục tháp mới nằm về phía Nam ngôi tháp Chính với cấu trúc hình lá Nhĩ phình ra to tướng, đứng trên hai cột không chịu lực cân xứng. Xét về mặt khoa học, phong thủy thì công trình này không hòa hợp với ba đền tháp nguyên thủy. Tuy nhiên, xét về mặt bảo vệ di tích thì nó đóng vai trò tương đối quan trọng để phục vụ cho khách du lịch.
Đến tham quan đền tháp Po Klong Garai, nhiều du khách thường hiếu kỳ về một hạng mục nằm bên phải ngôi tháp Chính có mái giống mái giống như mà nhà prông ở Tây Nguyên hay mái nhà hình thuyền như mặt trên trống đồng.
Hạng mục này chính là tháp Lửa, hay còn gọi là tháp Hỏa (theo quan niệm của người Chăm chính là thứ xua đuổi tà ma, sưởi ấm đồng thời là hiện hữu sức mạnh vô biên của thần Siva). Chức năng của tháp này là để các tu sĩ Bàlamôn, các thầy cúng bày các vật tế lễ và giữ ngọn lửa tế nên người Chăm gọi là Tháp Lửa.
Về cấu trúc thì tháp có 3 cửa thông nhau 3 hướng Đông, Bắc và Nam, riêng phía Nam là cửa sổ. Cũng như tháp Cổng, tháp Lửa được xây dựng khá đơn giản, các mặt tháp đa phần không có nhiều phù điêu và hoa văn.
Hiện hữu trong không gian của khu đền tháp Po Klong Garai còn có một điện thờ nhỏ, là nơi thờ hoàng hậu Bia Kol, chánh thất của vua Po Klong Garai. Đặc biệt, kế bên điện thờ chính là hình ảnh cây mẹ với thân hình uống công đầy uyển chuyển. Tương truyền, đây chính là nơi mà vua Po Klong Garai thời niên thiếu (đi buôn trầu) thường lên để nghỉ ngơi.
Trải qua hơn 800 năm hình thành và tồn tại với thời gian. Đến nay, khu đền tháp Po Klong Garai (Bửu Sơn) đa phần còn nguyên vẹn với nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo thuần theo phong cách hậu Bình Định – thời kỳ Muộn, để lại một giá trị to lớn về mặt văn hóa và lịch sử dân tộc.
Đặc biệt, cách thức xây dựng đền tháp Po Klong Garai nói chung và tất cả công trình kiến trúc nghệ thuật Chăm trên dải đất miền Trung đến nay vẫn là điều bí ẩn chưa lời giải. Qua đó mới thấy được sự tài tình của người Chăm xưa và hiểu rõ lý do vì sao khi nói, “Người Chăm là bậc thầy trong việc xây dựng những công trình kiến trúc nghệ thuật bằng gạch mà không ai có thể sánh lại.”.
Thông tin giá vé tham quan đền tháp Po Klong Garai Ninh Thuận
- Địa chỉ: Tháp Po Klong Garai – đồi Trầu – phường Đô Vinh – thành phố Phan Rang – Tháp Chàm – tỉnh Ninh Thuận.
- Thời gian: 7h30 – 17h30 hàng ngày.
- Giá vé: 10.000 vnđ/ trẻ em, 20.000 vnđ/ người lớn.
- Dịch vụ xe điện: 15,000 vnđ/người.
- Hướng dẫn di chuyển: tại trung tâm thành phố Phan Rang có thể bật ứng dụng google map để di chuyển, hoặc đi theo cung đường: Thống Nhất – Trần Phú – 21 tháng 8 – Bác Ái – Tháp Chàm.